Childstories.org
  • 1
  • Bọn trẻ
    Truyện cổ tích
  • 2
  • Sắp xếp theo
    thời gian đọc
  • 3
  • Hoàn hảo
    để đọc to
Anh Frieder thân yêu ơi!
Grimm Märchen

Anh Frieder thân yêu ơi! - Truyện cổ tích của Anh em Grimm

Thời gian đọc cho trẻ em: 19 phút

Ngày xưa có chàng trai tên là Frieder và cô gái tên là Katherlieschen. Họ lấy nhau và sống trong cảnh hạnh phúc của vợ chồng trẻ. Có lần Frieder nói với vợ:

– Giờ tôi ra đồng Katherlieschen nhé, khi nào ở đồng về thì nhớ có chút gì rán ăn cho đỡ đói, một chút gì uống cho đỡ khát. Katherlieschen đáp:

– Anh cứ đi, anh Frieder yêu quý. Sắp sửa tới giờ ăn trưa, người vợ lấy dồi treo ở gần ống khói, lấy chảo đặt lên bếp cho nóng rồi đặt dồi và cho bơ vào chảo. Nàng chợt nghĩ, trong lúc đợi dồi rán, ta có thể xuống hầm lấy bia. Nàng liền cầm bình xuống hầm lấy bia. Trong lúc đang hứng bia, Katherlieschen chợt nghĩ:

– Mình quên chưa xích chó. Nó có thể tha mất dồi rán. May quá mình còn nhớ tới! Nàng vội vàng bước lên thì cũng là lúc con chó đang tha dồi rán. Katherlieschen đâu có chịu thua, nàng rượt đuổi theo chó ra tận cánh đồng. Nhưng chó chạy nhanh hơn Katherlieschen, nó cũng chẳng chịu bỏ miếng mồi ngon, cứ thế chạy băng băng ra cánh đồng. Katherlieschen nói:

– Mất thì thôi! Katherlieschen mệt bở hơi tai nên đành uể oải đi về, vừa đi vừa thở. Vội chạy lên, Katherlieschen quên không vặn khóa vòi ở thùng bia, trong lúc Katherlieschen rượt đuổi theo chó thì bia cứ chảy, chảy đầy bình rồi tràn ra khắp nền nhà tầng hầm. Khi Katherlieschen về tới nhà, xuống tầng hầm thì chỉ còn thùng không, bia chảy lai láng khắp nền nhà tầng hầm. Nàng than:

– Thế là hết đường nói! Giờ phải làm gì nhỉ để cho Frieder không biết chuyện này. Nàng nghĩ và chợt nhớ còn bao bột mì để từ Hội làng năm trước. Nàng lấy bao bột mì xuống và rắc khắp nền nhà tầng hầm. Vừa làm nàng vừa nói:

– Ai biết tiết kiệm thì có mà dùng khi cần. Trong lúc rắc bột mì, Katherlieschen đá phải bình bia làm nó đổ hết ra nền nhà. Thế là chút bia của Frieder cũng chảy nốt ra nền nhà. Katherlieschen tự an ủi:

– Thì cũng cùng một thứ nên nó đi với nhau là phải. Rắc xong khắp nền nhà tầng hầm, Katherlieschen hết sức vui mừng vì đã làm xong việc. Nàng tự nhủ:

– Nom cũng sạch đáo để! Đến trưa Frieder về nhà và nói:

– Nào, em đã nấu nướng gì chưa đó? Vợ nói:

– Trời, anh Frieder thân yêu. Em rán dồi cho anh, nhưng trong lúc em đang hứng bia ở tầng hầm thì chó tha mất dồi rán, em đuổi theo chó thì bia chảy hết cả thùng ra nền, em lấy bột rắc cho đỡ lầy lội nền nhà, trong lúc loay hoay rắc bột em lại đánh đổ cả bình bia. Anh cứ yên tâm. Nền nhà giờ khô rồi. Frieder bảo:

– Katherlieschen, Katherlieschen, đáng nhẽ không nên đổ bao bột mì ngon rắc nền nhà, cứ để cho chó tha dồi rán, bia đã chảy hết thì thôi. Phí cả bao bột ngon mịn!

– Vâng, anh Frieder thân yêu, em có biết đâu đó lại là bột ngon mịn. Đáng nhẽ anh phải dặn trước em mới phải. Chồng nghĩ:

– Vợ mình lẩn thẩn như thế thì phải canh chừng. Lâu nay chàng dành dụm được ít tiền, chàng đổi tiền ra vàng, rồi bảo vợ:

– Em nhìn xem, những đồng màu vàng này anh sẽ cho vào trong nồi và chôn ở chân cột chuồng bò. Em không được tới gần đó nhé, không thì sẽ khốn đấy! Vợ đáp:

– Anh Frieder thân yêu, không, không bao giờ em làm chuyện đó. Trong lúc Frieder vắng nhà, có mấy người mua ve chai đồng nát tới hỏi mua đồ ve chai. Vợ nói:

– Ờ, mấy bác ve chai ơi, nhà chẳng có gì để mua bán đổi chác, chỉ có mấy đồng màu vàng, không biết có dùng được không?

– Tại sao lại không? Cứ lấy cho xem những đồng màu vàng ấy đi.

– Thì cứ ra chuồng bò, đào dưới chân cột chuồng bò thì sẽ thấy những đồng màu vàng. Tôi không được phép tới đó. Bọn ve chai đồng nát láu cá lại đó đào và thấy toàn vàng ròng vội vã đi khỏi làng, để lại những gánh ve chai cùng những nồi ấm mới dùng để đổi lấy đồ cũ nát. Katherlieschen nhìn những gánh ve chai, nghĩ:

– Mình cũng cần mấy thứ. Nhưng khi vào bếp thì thấy có đủ cả, Katherlieschen đem đập hết nồi đất ở những gánh ve chai, mảnh đem găm hàng rào quanh nhà. Về tới nhà, Frieder nhìn thấy là lạ ở hàng rào quanh nhà, hỏi vợ:

– Katherlieschen em làm gì ở hàng rào quanh nhà mà lạ thế?

– Đổi ve chai đấy, anh Frieder thân yêu. Đổi những đồng màu vàng ở chân cột chuồng bò. Em không có tới đó nhé. Chỉ có đám ve chai ra đó đào. Frieder nói:

– Trời ơi, vợ tôi ơi! Em làm gì vậy. Đó đâu phải là những đồng màu vàng, mà là vàng ròng đấy, là cả gia sản của nhà mình. Có đời nhà ai lại như vậy! Vợ nói:

– Vâng, anh Frieder thân yêu, em có biết đâu đó lại là vàng ròng. Đáng nhẽ anh phải dặn em trước mới phải. Đứng tần ngần một lúc, Katherlieschen nói:

– Anh nghe em nói nhé, anh Frieder thân yêu. Ta sẽ lấy lại số vàng đó. Giờ ta chạy đuổi theo bọn ăn cướp đó. Frieder bảo:

– Thế cũng hay đấy. Ta cứ thử xem. Nhớ mang theo bơ, bánh mì và pho mát để dọc đường còn cái mà ăn.

– Vâng, anh Frieder thân yêu, để em gói mang theo. Hai vợ chồng lên đường đuổi theo. Chồng đi nhanh hơn, vợ lẽo đẽo theo sau. Vợ nghĩ:

– Khi quay trở về thì Frieder lại là đi đằng sau. Rồi hai người tới một ngọn núi. Hai bên đường đều có đường ray đã bị ăn mòn sâu trông thấy. Katherlieschen lẩm bẩm:

– Bánh xe chạy hoài mòn cả đường ray như thế này thì đến đời nào nó trở về bằng phẳng được. Katherlieschen động lòng thương hại đường ray nên lấy bơ ra, lấy tay quết lên đường ray để bánh xe chạy trơn. Trong lúc mải cúi quết bơ đường ray thì một miếng pho mát rớt ra, lăn xuống dưới chân núi. Katherlieschen nói:

– Ta đã đi từ dưới đó lên đây, ta không xuống nữa. Để cho miếng pho mát khác nó xuống kéo mày lên. Thế rồi Katherlieschen thả một miếng pho mát khác lăn xuống chân núi. Không thấy miếng pho mát nào trở lên, Katherlieschen thả tiếp miếng nữa và nghĩ:

– Có lẽ chúng đợi nhau để đi tập đoàn, chứ không đi lẻ. Chẳng thấy pho mát nào trở lên, Katherlieschen nói:

– Chẳng biết chúng nghĩ thế nào. Có lẽ miếng pho mát vừa rồi lạc đường, ta phái miếng thứ tư xuống gọi lên mới được. Tới miếng thứ tư cũng chẳng thấy tăm hơi gì. Bực mình, Katherlieschen thả miếng thứ năm, rồi miếng thứ sáu xuống. Thế là chẳng còn miếng pho mát nào. Katherlieschen đứng chờ, nghe ngóng, may ra chúng kéo nhau lên. Đợi mãi chẳng thấy chúng lên, Katherlieschen nói:

– Trời, quân này đến chết cũng thế thôi. Cứ ở đó, tưởng ta còn đợi nữa hay sao? Ta còn phải đi đường ta nữa. Chúng bay có thể rượt theo ta, chân khỏe sợ gì. Katherlieschen đi tiếp và gặp Frieder đang đứng đợi. Frieder đã đói nên bảo:

– Nào giở thức ăn ra thôi, đói rồi! Katherlieschen đưa cho bánh mì khô không khốc, Frieder hỏi:

– Thế bơ và pho mát đâu? Vợ đáp:

– Trời ơi, anh Frieder thân yêu, bơ em quệt đường ray rồi. Pho mát thì sắp tới. Có một miếng rớt khỏi túi và lăn xuống chân núi. Em đã cho miếng khác đi gọi về. Frieder bảo:

– Katherlieschen, chẳng có ai lại đi quết bơ lên đường ray, để pho mát lăn xuống chân núi. Vâng, anh Frieder thân yêu. Đáng nhẽ anh phải dặn em trước mới phải. Hai vợ chồng ngồi ăn bánh mì không. Chợt nhớ ra, chồng hỏi:

– Katherlieschen, khi đi em đã cài khóa cửa chưa?

– Chưa. Đáng nhẽ anh phải dặn em trước mới phải.

– Thế thì em về cài khóa cửa cho cẩn thận. Nhớ mang theo chút thức ăn. Anh đợi ở đây. Sau đó ta lại tiếp tục lên đường. Katherlieschen quay trở về nhà. Nàng nghĩ:

– Chắc Frieder không thích ăn bơ và pho mát, thế thì ta mang táo khô và một bình giấm. Rồi Katherlieschen cài khóa ngăn phía trên của cửa, ngăn phía dưới tháo vác lên vai, Katherlieschen nghĩ mình cài khóa cẩn thận rồi, giờ có thể cứ thong thả mà đi, Frieder càng được ngồi nghỉ. Khi gặp lại chồng, Katherlieschen nói:

– Đây, anh Frieder thân yêu, cánh cửa đây, anh giữ lấy.

– Trời, có đời thuở nhà ai lại có bà vợ quý như vậy. Phía trên cửa cài khóa cẩn thận, phần dưới cửa gỡ ra để cho cái gì chui vào nhà cũng được. Giờ thì muộn quá rồi, làm sao mà về được nhà nữa. Thôi đã trót mang tới đây thì cứ thế mà mang vác tiếp.

– Cánh cửa cứ để em vác tiếp, anh Frieder thân yêu. Táo khô và giấm thì em treo ở cửa, nó sẽ mang vác cho chúng ta. Hai vợ chồng vào rừng tìm bọn người lừa đảo kia, nhưng chẳng thấy ai. Trời tối, hai vợ chồng trèo lên cây, tính đành ngủ qua đêm trên cây. Hai vợ chồng vừa mới trèo lên cây thì bọn lừa đảo kia cũng tới, mỏi mệt vì đường xa, chúng ngồi nghỉ ngay dưới gốc cây, rồi nhóm lửa lên để chia nhau số của lừa được. Frieder chuyền sang cây khác, tụt xuống đất lượm đá, rồi lại trèo lên cây ném đá xuống bọn lừa đảo, nhưng chẳng ném trúng ai. Bọn lừa đảo nghe tiếng rào rào nên nói:

– Có lẽ trời sắp sáng, gió thổi mạnh làm rụng quả thông nhiều quá. Katherlieschen vẫn vác trên vai cánh cửa, giữ lâu đâm ra đau vai, nàng nghĩ, có lẽ do túi táo khô, nàng nói:

– Anh Frieder thân yêu, em ném túi táo khô đi nhé. Frieder đáp:

– Không được, Katherlieschen, bây giờ không được, sẽ lộ mất.

– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải ném đi đây.

– Ừ thì ném xuống đi. Đồ quỷ tha ma bắt. Thế là táo khô rơi lộp độp xuống. Bọn lừa đảo nghĩ đó là phân chim. Katherlieschen vẫn thấy đau vai nên nói:

– Trời ơi, anh Frieder thân yêu, em phải đổ bình giấm đi đây.

– Không được, Katherlieschen, em không được làm thế, sẽ lộ mất.

– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải đổ đi thôi.

– Ừ thì ném đổ đi. Đồ quỷ tha ma bắt. Katherlieschen đổ bình giấm xuống, nước giấm bắn tung tóe vào người bọn lừa đảo. Chúng bảo nhau:

– Sương đêm rơi xuống nhiều quá. Giờ Katherlieschen mới nghĩ ra, chính cánh cửa đè đau vai. Nàng nói:

– Anh Frieder thân yêu, em phải ném cánh cửa đi.

– Không được, Katherlieschen, bây giờ không được, sẽ lộ mất.

– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải ném xuống đây.

– Không được, Katherlieschen, giữ chặt lấy.

– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải ném xuống thôi. Frieder nổi nóng:

– Chà, thì ném xuống. Đồ quỷ tha ma bắt. Cánh cửa rơi đánh rầm một cái xuống đất. Bọn lừa đảo nghĩ:

– Đúng là quỷ nhảy từ trên cây xuống. Thế là chúng ù té chạy, bỏ lại tất cả. Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng tụt từ trên cây xuống thì thấy túi vàng. Hai vợ chồng mang vàng về nhà. Về tới nhà, Frieder bảo vợ:

– Katherlieschen, giờ em phải chăm chỉ làm việc nhé.

– Vâng, anh Frieder thân mến. Em sẽ làm tất cả. Để em ra đồng, thái các thứ để phơi. Ra tới ngoài đồng, Katherlieschen tự nhủ:

– Ăn rồi hãy thái, hay ta đánh một giấc cho đã rồi thái? Chà, ta ăn trước đã! Thế là Katherlieschen lấy đồ ra ăn, ăn no lại thấy buồn ngủ, vừa ngủ gà ngủ gật, nên nàng thái cả vào quần áo. Đến khi tỉnh hẳn, nhìn nhắm lại mình thì thấy người gì mà rách bươm như tổ đỉa, nàng tự hỏi:

– Không biết có phải là mình hay không? Về tới nhà thì trời tối, Katherlieschen đứng bên cửa sổ gọi:

– Frieder thân yêu.

– Hỏi cái gì?

– Cho hỏi, Katherlieschen có nhà không? Frieder đáp:

– Có, có nhà. Cô ấy đang nằm ngủ. Katherlieschen nói:

– Tốt, thế là mình đang ở nhà. Rồi nàng lại đi. Katherlieschen gặp bọn lừa đảo kia, chúng tính ăn trộm. Nàng bảo:

– Tôi sẽ giúp cho một tay. Bọn lừa đảo cứ yên trí là người đàn bà kia sẽ chỉ cho chỗ giấu của. Tới trước dãy nhà, Katherlieschen nói lớn:

– Các ông các bà có biết cái gì không? Chúng tôi tới ăn trộm. Bọn lừa đảo muốn chia tay với Katherlieschen nên bảo:

– Nào, hãy ra thửa ruộng đầu làng mà nhổ củ cải đường. Katherlieschen lại thửa ruộng đầu làng và nhổ củ cải, nhưng nàng chỉ hờ hững túm nhấc củ cải lên nửa chừng. Có người đàn ông đi ngang qua, đứng nhìn rồi nghĩ, chắc là quỷ nó đang nghịch củ cải đường. Người đó chạy về làng báo với mục sư xứ đạo:

– Thưa cha, ở ngoài thửa ruộng của nhà thờ có con quỷ đang bới củ cải. Mục sư đáp:

– Một chân tôi liệt, tôi không đi ra đó được để đuổi nó. Người đàn ông nói:

– Để tôi cõng cha ra đó. Khi hai người ra tới ruộng thì đúng lúc Katherlieschen giựt bứt củ cải làm đất rơi tung tóe. Mục sư kêu:

– Trời ơi, đúng là quỷ rồi. Thế là cả hai bỏ chạy. Trong lúc quá sợ hãi, cái chân liệt lại co duỗi bình thường nên mục sư chạy còn nhanh hơn người đàn ông kia.

Đọc một câu chuyện cổ tích ngắn khác (5 phút)

LanguagesLearn languages. Double-tap on a word.Learn languages in context with Childstories.org and Deepl.com.

Ngữ cảnh

Diễn giải

Ngôn ngữ

„Anh Frieder thân yêu ơi!“ là một trong những câu chuyện hài hước từ bộ sưu tập truyện cổ tích của anh em nhà Grimm. Câu chuyện xoay quanh cặp vợ chồng ngây thơ Frieder và Katherlieschen, cùng những tình huống dở khóc dở cười do sự ngờ nghệch và tính bất cẩn của Katherlieschen tạo ra.

Nội dung chính của truyện kể về những sự cố liên tiếp xảy ra khi Katherlieschen nhận những yêu cầu hoặc hướng dẫn từ chồng nhưng thường làm sai hoặc hiểu sai ý. Những tình tiết như việc để chó ăn mất dồi rán, rắc bột mì lên nền nhà đầy bia, hay việc đổi vàng lấy đồ ve chai, đều thể hiện sự ngờ nghệch đáng yêu và gây cười của nhân vật Katherlieschen.

Câu chuyện tiếp tục với cuộc hành trình của hai vợ chồng để đòi lại số vàng bị lừa đảo, và một lần nữa, trí tưởng tượng phong phú và những hành động không thực tế của Katherlieschen lại dẫn đến những tình huống hài hước.

Truyện kết thúc với việc họ tìm lại được túi vàng nhờ sự hiểu lầm của những kẻ lừa đảo, và một lần nữa Katherlieschen lại thể hiện sự ngờ nghệch của mình. Dù vậy, câu chuyện gửi gắm thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu và sự chấp nhận giữa hai vợ chồng, và sự hài hước xuất phát từ những điểm ngớ ngẩn trong cuộc sống hàng ngày.

Câu chuyện „Anh Frieder thân yêu ơi!“ trong truyền thuyết của anh em nhà Grimm được xem là một tác phẩm hài hước, thể hiện tính cách ngây thơ và có phần vụng về của nhân vật Katherlieschen. Câu chuyện này khai thác những tình huống trớ trêu do sự thiếu cẩn trọng và suy nghĩ đơn giản của cô vợ.

Giá trị gia đình và sự tha thứ: Mặc dù Katherlieschen mắc nhiều lỗi lầm, Frieder vẫn kiên nhẫn và không tỏ ra quá nghiêm khắc với vợ mình. Điều này cho thấy tình cảm và sự bao dung giữa các thành viên trong gia đình, dù có những lúc khó khăn và thách thức.

Sự hài hước trong đời sống: Câu chuyện mang lại tiếng cười qua các tình huống éo le mà Katherlieschen tạo ra. Chúng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc nhìn nhận những sai lầm một cách nhẹ nhàng, để có thể tìm thấy niềm vui ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.

Thông điệp về sự cẩn trọng: Qua những tình huống trớ trêu mà Katherlieschen gặp phải, câu chuyện như một lời nhắc nhở về việc cần phải cẩn thận và suy nghĩ trước khi hành động. Điều này càng quan trọng hơn khi những hành động của chúng ta có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Biểu tượng của tính ngây thơ và trung thực: Katherlieschen đại diện cho lòng trung thực và sự ngây thơ, khi cô không cố tình che giấu điều gì với chồng mình. Thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình dù vô tình hay hữu ý cũng là một phẩm chất đáng quý.

Cảnh báo về lòng tham và lừa đảo: Câu chuyện còn đề cập đến những kẻ gian manh khi chúng bị lừa bởi sự ngờ nghệch của Katherlieschen. Đây là một bài học rằng sự gian trá cuối cùng cũng sẽ bị lộ tẩy.

Câu chuyện không chỉ đơn thuần là một câu chuyện giải trí mà qua đó, người đọc nhận ra nhiều bài học, giá trị nhân văn cũng như tiếng cười nhẹ nhàng mà nó mang lại.

„Anh Frieder thân yêu ơi!“ là một trong những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm có nội dung hài hước, dựa trên các tình huống gây cười do sự lẫn lộn và ngốc nghếch của nhân vật chính. Một phân tích ngôn ngữ học về câu chuyện này có thể xem xét các khía cạnh sau:

Ngôn ngữ và phong cách kể chuyện

Giọng điệu: Truyện được kể với giọng điệu nhẹ nhàng và hài hước, sử dụng lối kể chuyện dân gian quen thuộc, thường bắt đầu bằng „Ngày xửa ngày xưa“. Sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt đơn giản phù hợp với đối tượng khán giả trẻ em và mang tính giễu cợt.

Nhắc lại: Truyện sử dụng kỹ thuật nhắc lại, với nhiều câu thoại tương tự nhau, tạo nhịp điệu và làm nổi bật tính hài hước của các tình huống.

Hội thoại: Đối thoại giữa các nhân vật như Katherlieschen và Frieder thường xuyên được sử dụng để phát triển cốt truyện và tạo ra sự hài hước thông qua nhận thức sai lầm và sự ngây thơ.

Nhân vật và hành động

Tính cách nhân vật: Các nhân vật trong truyện thường mang tính điển hình, với Katherlieschen được miêu tả là ngây thơ, vụng về, nhưng lại rất nhiệt tình và có ý tốt. Cách nhân vật được xây dựng góp phần làm tăng tính hài hước cho câu chuyện.

Tình huống hài hước: Câu chuyện tập trung vào những hiểu nhầm và hành động vô lý của Katherlieschen, như việc cô ấy rắc bột mì khắp tầng hầm để che dấu việc làm đổ bia hay nhổ củ cải một cách lộn xộn rồi nghĩ mình đã về nhà khi nghe Frieder nói.

Chủ đề và ý nghĩa

Giải trí và giáo dục: Mặc dù câu chuyện chủ yếu mang tính giải trí, nó cũng có thể gửi gắm thông điệp về sự cẩn thận và tầm quan trọng của việc hiểu rõ vấn đề trước khi hành động.

Sự mỉa mai: Các tình huống trong câu chuyện có thể được coi là lời nhắc nhở hài hước về khả năng gây rắc rối của sự ngây thơ và thiếu kinh nghiệm.

Ngữ pháp và cú pháp

Cấu trúc câu đơn giản: Truyện sử dụng phần lớn là câu đơn và câu ghép ngắn, dễ hiểu, phù hợp với văn phong truyện kể cho trẻ em.

Diễn đạt trực tiếp: Ngôn ngữ trực tiếp với nhiều câu hỏi và câu cảm thán làm cho câu chuyện trở nên sống động, tạo sự gần gũi với người đọc.

Qua những điểm trên, câu chuyện „Anh Frieder thân yêu ơi!“ không chỉ mang đến tiếng cười mà còn là một ví dụ tiêu biểu cho lối kể chuyện cổ tích truyền thống của anh em nhà Grimm, sử dụng sự ngây ngô để khắc họa bài học về cuộc sống.


Thông tin phân tích khoa học

Chỉ số
Giá trị
Con sốKHM 59
Aarne-Thompson-Uther Chỉ mụcATU Typs 1387
Bản dịchDE, EN, DA, ES, PT, FI, HU, IT, JA, NL, PL, RU, TR, VI, ZH
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson14.4
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục97.4
Flesch–Kincaid Grade-Level2.2
Gunning Fog Chỉ mục4.6
Coleman – Liau Chỉ mục4.9
SMOG Chỉ mục6.1
Chỉ số khả năng đọc tự động0.3
Số lượng ký tự11.559
Số lượng chữ cái8.502
Số lượng Câu234
Số lượng từ2.421
Số từ trung bình cho mỗi câu10,35
Các từ có hơn 6 chữ cái99
Phần trăm các từ dài4.1%
Tổng số Âm tiết2.831
Số tiết trung bình trên mỗi từ1,17
Các từ có ba Âm tiết57
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết2.4%
Câu hỏi, nhận xét hoặc báo cáo kinh nghiệm?

Chính sách bảo mật.

Những câu chuyện cổ tích hay nhất

Quyền tác giả © 2025 -   Về chúng tôi | Bảo vệ dữ liệu |Đã đăng ký Bản quyền Cung cấp bởi childstories.org

Keine Internetverbindung


Sie sind nicht mit dem Internet verbunden. Bitte überprüfen Sie Ihre Netzwerkverbindung.


Versuchen Sie Folgendes:


  • 1. Prüfen Sie Ihr Netzwerkkabel, ihren Router oder Ihr Smartphone

  • 2. Aktivieren Sie ihre Mobile Daten -oder WLAN-Verbindung erneut

  • 3. Prüfen Sie das Signal an Ihrem Standort

  • 4. Führen Sie eine Netzwerkdiagnose durch