Childstories.org
  • 1
  • Bọn trẻ
    Truyện cổ tích
  • 2
  • Sắp xếp theo
    thời gian đọc
  • 3
  • Hoàn hảo
    để đọc to
Người thợ săn tài giỏi
Grimm Märchen

Người thợ săn tài giỏi - Truyện cổ tích của Anh em Grimm

Thời gian đọc cho trẻ em: 15 phút

Xưa có một chàng trai đã học xong nghề thợ khóa. Một hôm anh thưa cha, anh muốn đi đây đi đó hành nghề. Người cha bảo:

– Được con ạ, con nên đi. Rồi ông cho con ít tiền để ăn dọc đường. Anh con trai đi các vùng làm nghề thợ khóa sinh sống, nhưng chỉ ít lâu sau anh thấy chán nghề thợ khóa và giờ chỉ thích nghề thợ săn. Đúng lúc đó thì anh gặp một người mặc quần áo thợ săn màu lục, hỏi anh từ đâu đến và định đi đâu. Anh đáp anh là thợ khóa, nhưng giờ không thích nghề ấy nữa, muốn học săn bắn, không biết bác có sẵn lòng cho anh theo học nghề săn bắn không. Bác thợ săn đáp:

– Ồ, được lắm chứ, nếu chú thích thì đi với tôi. Anh đi theo, chịu khó theo học nghề săn bắn ở bác thợ cả kia mấy năm liền. Thành nghề anh xin được phép đi đó đây hành nghề. Tưởng thưởng công anh, bác thợ săn tặng anh một khẩu súng hơi đặc biệt, giương súng lên bắn gì trúng nấy. Anh lên đường, tới một cánh rừng rất lớn, đi cả ngày mãi vẫn chưa ra tới đầu rừng đằng kia. Bóng đêm đã trùm xuống cánh rừng và anh vẫn chưa ra khỏi rừng, để tránh thú dữ anh trèo lên cây cao. Khoảng nửa đêm, anh thấy ở xa có ánh lửa le lói, anh nhìn kỹ qua đám cành lá. Để nhớ chỗ ấy, anh lấy mũ ném về phía ánh lửa định hướng đi. Rồi anh tụt xuống, nhặt mũ đội lên đầu và cứ hướng ấy mà đi. Càng đi tiếp, thấy ánh lửa càng lớn hơn. Đến gần anh thấy một đống lửa rất to, ba gã khổng lồ ngồi quanh đống lửa đang quay một cái xiên nướng một con bò. Bỗng một gã nói:

– Tớ phải nếm xem đã chín chưa? Gã xé một miếng, đang đưa vào miệng thì bị anh thợ săn bắn một phát, thịt văng đi mất. Gã nói:

– Chà, chà, gió mà cũng thổi bay miếng thịt. Gã xé miếng khác, gã ghé răng vừa định cắn lại bị anh thợ săn bắn phát thứ hai, thịt văng đi. Nổi cáu, gã bạt tai gã ngồi cạnh và nói:

– Tại sao cậu lại giằng mất của tớ? Gã kia cãi:

– Tớ có giằng của cậu đâu, chắc có tay thiện xạ nào bắn văng đi đấy. Gã khổng lồ xé miếng thịt thứ ba, nhưng cầm chưa chắc tay đã bị bắn văng đi mất. Lúc ấy mấy gã bảo nhau:

– Người bắn này nhất định phải là tay thiện xạ. Kể có một người như thế cũng tốt cho chúng ta. Rồi cả ba gọi thật to:

– Nhà thiện xạ ơi, tới đây, ngồi với chúng tôi bên lửa sưởi ấm và ăn cho no vào. Chúng tôi không làm gì anh đâu. Nhưng nếu không chịu ra, để chúng tớ phải ra tay thì cậu xong đời đấy. Chàng bước tới phía họ và nói mình là thợ săn tài giỏi, bắn gì trúng nấy. Chúng bảo nếu anh đi cùng với chúng, anh sẽ có tất cả. Chúng kể cho anh biết, trước cửa rừng là một con sông lớn, ở bên kia sông là một lâu đài, một công chúa xinh đẹp sống trong lâu đài ấy, chúng muốn cướp nàng đi. Anh thợ săn nói:

– Chà, việc ấy tôi làm được. Chúng lại bảo:

– Nhưng còn điều này, có con chó nhỏ rất thính, cứ thấy có người đến gần là nó sủa làm mọi người trong lâu đài biết có người lạ, làm chúng tớ không sao vào được. Cậu có thể rình bắn chết con chó ấy được không? Anh thợ săn đáp:

– Được chứ, với tôi nó là thú vui. Sau đó anh xuống thuyền qua sông. Thuyền sắp cập bến, con chó chạy ra định sủa, nhưng chàng thợ săn đã cho nó một phát đạn chết ngay tại chỗ. Thấy thế bọn khổng lồ mừng lắm, chắc sẽ cướp được công chúa. Chàng thợ săn muốn xem tình hình ở trong lâu đài nên bảo chúng đợi ở ngoài, chờ anh gọi. Anh vào trong lâu đài, cảnh vật im lặng như tờ. Anh mở cửa phòng đầu tiên, thấy trên tường treo thanh kiếm bạc, có đính ngôi sao bằng vàng và khắc tên vua. Trên bàn gần đó có lá thư niêm phong gắn xi. Anh mở thư đọc, trong thư viết:

– Ai lấy được kiếm, người đó có thể hạ sát mọi đối thủ. Anh lấy kiếm treo ở tường và đeo vào người, rồi lại đi. Bước vào phòng khác, anh thấy công chúa đang ngủ, nàng đẹp quá làm anh đứng lặng người ngắm và nghĩ bụng:

– Một người con gái trong trắng như thế này nỡ lòng nào để rơi vào tay mấy đứa khổng lồ hung bạo, nham hiểm kia? Anh nhìn quanh, thấy dưới gầm giường có đôi hài. Ở hài bên phải có đính một ngôi sao và tên công chúa. Cổ nàng quấn khăn lụa thêu kim tuyến, tên vua với một ngôi sao thêu ở vạt bên phải, ở vạt bên trái thêu tên công chúa với một ngôi sao, chữ thêu bằng chỉ vàng. Anh lấy kéo cắt vạt khăn bên phải, lấy chiếc hài bên phải có thêu tên vua, cả hai anh bỏ vào túi quần. Trong lúc ấy, công chúa vẫn ngủ say, áo nàng rộng thùng thình, chàng cắt một miếng ở áo và đút vào túi quần bên kia. Chàng làm rất nhẹ nhàng, không động đến người nàng. Rồi anh bước ra khỏi phòng, để yên cho nàng ngủ. Khi anh ra tới cổng bọn khổng lồ đợi ở ngoài tưởng anh đem công chúa ra. Anh gọi, bảo chúng vào và nói, người thiếu nữ đó ở trong tay anh rồi, anh không mở được cổng lâu đài, nhưng chúng có thể chui theo lỗ hổng để vào. Khi gã thứ nhất thò đầu vào, anh liền túm tóc kéo và cầm kiếm chém đứa đầu, rồi lôi cả người nó vào trong. Xong anh gọi đứa thứ hai chặt đầu nó, rồi tiếp đến là chặt đầu đứa thứ ba. Anh rất mừng vì đã cứu được công chúa khỏi tay kẻ thù. Anh xẻo lưỡi cả ba và bỏ túi. Anh nghĩ bụng.

– Giờ ta về nhà kể cho cha biết việc mình đã làm, rồi đi chu du thiên hạ, biết đâu trời lại cho gặp may. Vua ở trong lâu đài, khi thức dậy nhìn ra ngoài thấy ba đứa khổng lồ nằm chết, vội chạy sang phòng công chúa, hỏi ai đã giết ba đứa khổng lồ. Công chúa thưa:

– Tâu vua cha, con ngủ say nên không biết. Công chúa dậy, định mang hài thì không thấy chiếc bên phải. Nhìn khăn nàng thấy mất vạt bên phải, nhìn áo cũng thấy mất một mảnh. Vua cho triệu cả triều thần cùng binh tướng, hỏi ai đã giết lũ khổng lồ, cứu công chúa. Một đại úy chột mắt, xấu trai đứng nhận mình đã làm việc đó. Vua phán gả công chúa để tưởng thưởng công cho đại úy. Công chúa thưa:

– Tâu vua cha, thà con bỏ hoàng cung đi chu du thiên hạ cho tới khi nào chồn chân mỏi gối còn hơn là lấy con người kia. Vua truyền, nếu nàng không vâng lời, thì nàng phải cởi trả hoàng y mặc quần áo dân thường và ra khỏi hoàng cung. Nàng phải đến một hàng nồi kia để ngồi bán nồi đất. Công chúa trả hoàng y, đến nhà hàng nồi, hỏi lấy trước một số nồi, hẹn chiều bán xong mang tiền lại trả. Vua còn hạn, nàng phải dọn hàng ở ngay góc đường. Xong vua ra lệnh thuê mấy chiếc xe ngựa, sai đánh xe chạy qua giữa đám nồi đất cho vỡ tan tành từng mảnh. Nàng vừa dọn hàng xong thì đoàn xe kéo đến, cán vỡ nồi ra từng mảnh. Nàng ngồi khóc lóc:

– Trời ơi là trời, lấy tiền đâu ra mà trả nhà hàng bây giờ. Vua muốn dùng cách ấy để ép buộc nàng phải lấy viên đại úy. Nàng lại đến hàng nồi, hỏi mượn thêm chuyến hàng nữa. Nhà hàng không chịu đòi trả đủ số tiền lần trước đã. Nàng về kêu khóc với vua cha, nói nàng muốn đi thật xa. Vua phán:

– Ta sẽ cho dựng một cái lán nhỏ trong rừng, con vào sống ở đó, nấu ăn cho bất kỳ ai mà không được lấy tiền. Lán dựng xong, ngoài cửa treo tấm biển: „Hôm nay đãi không, ngày mai sẽ lấy tiền.“ Công chúa sống ở đó một thời gian, tin truyền đi mọi nơi rằng ở chỗ đó có quán ăn biển đề ăn không mất tiền, mà người nấu là một cô gái. Tin đồn đến tai anh thợ săn. Anh nghĩ bụng.

– Đây là dịp tốt cho mình. Đang lúc nghèo túng, không xu dính túi. Anh khoác súng lên vai và mang theo túi đựng những vật làm chứng lấy ở trong lâu đào. Anh đi vào rừng và thấy quán ăn có treo biển „Hôm nay đãi không, ngày mai lấy tiền.“ Anh vẫn đeo thanh kiếm đã chém ba gã khổng lồ ở bên người, và bước vào quán, xin cho một bữa ăn. Được thấy người đẹp như trong tranh, chàng hết sức vui mừng. Nàng hỏi anh từ đâu tới và định đi đâu. Anh đáp:

– Tôi đi chu du thiên hạ. Thấy tên vua khắc ở kiếm, nàng hỏi anh lấy nó ở đâu. Anh hỏi, có phải nàng là công chúa không. Nàng đáp:

– Đúng vậy. Anh đã chém ba đứa khổng lồ bằng thanh kiếm này. Anh lấy ở trong túi ra xâu lưỡi để chứng minh, và lấy hài, vạt khăn và mảnh áo đưa cho nàng xem. Nhận ra người đã cứu mình, công chúa hết sức vui mừng. Ngay sau đó cả hai cùng về gặp vua. Công chúa dẫn vua về phòng riêng của mình ngày trước và nói rõ sự việc, chính anh thợ săn mới là người giết lũ khổng lồ, cứu công chúa. Nhìn những đồ vật của công chúa và ba cái lưỡi, nhà vua không còn nghi ngờ gì nữa và phán:

– Ta rất mừng vì mọi việc đã rõ. Ta thuận cho chàng thợ săn làm phò mã. Công chúa trong lòng rất phấn khởi. Anh thợ săn được thay quần áo giả làm khách từ xa tới. Vua truyền bày tiệc thết khách. Công chúa ngồi giữa, bên trái là viên đại úy, bên phải là anh thợ săn. Viên đại úy cứ đinh ninh đó là khách từ xa tới. Ăn uống xong, vua bảo viên đại úy hãy trả lời câu hỏi sau:

– Có kẻ nhận đã giết ba đứa khổng lồ người ta hỏi, lưỡi của chúng đâu mà chỉ thấy đầu lâu thôi, thế là thế nào? Viên đại úy tâu:

– Mấy đứa khổng lồ không có lưỡi. Vua phán:

– Nói sai. Loài vật nào cũng có lưỡi. Vua hỏi tiếp:

– Kẻ gian trá sẽ bị trừng phạt thế nào? Viên đại úy tâu:

– Tội đó phải bị phanh thây. Lúc đó vua phán:

– Thế là tự nó nói án cho nó rồi. Viên đại úy bị giam ngục và sau đó bị phanh thây thành bốn khúc. Công chúa lấy anh thợ săn. Phò mã cho đón cha mẹ đến để phụng dưỡng. Cả nhà vui sống bên nhau. Sau khi vua mất, phò mã lên nối ngôi.

Đọc một câu chuyện cổ tích ngắn khác (5 phút)

LanguagesLearn languages. Double-tap on a word.Learn languages in context with Childstories.org and Deepl.com.

Ngữ cảnh

Diễn giải

Ngôn ngữ

Câu chuyện „Người thợ săn tài giỏi“ của anh em nhà Grimm là một trong số những truyện cổ tích hấp dẫn, mang đến nhiều bài học quý giá về lòng dũng cảm, sự trung thực và ý chí kiên định. Câu chuyện kể về một chàng trai trẻ, ban đầu là thợ khóa, nhưng sau đó quyết định theo đuổi đam mê trở thành một thợ săn tài giỏi. Trong hành trình của mình, chàng đã gặp gỡ và học hỏi từ một thợ săn lão luyện, trở nên thành thạo trong nghề săn bắn.

Một điểm nổi bật trong câu chuyện là sự dũng cảm và mưu trí của chàng thợ săn khi đối mặt với ba gã khổng lồ. Anh đã dũng cảm giúp giải cứu công chúa khỏi nguy hiểm, điều này thể hiện lòng dũng cảm và khả năng phán đoán tình huống nhanh nhạy của anh.

Câu chuyện cũng làm nổi bật lên sự trung thực và chính trực của chàng thợ săn khi đối mặt với những lời nói dối và sự giả dối do viên đại úy xấu trai bày ra để chiếm công. Sự thật cuối cùng được phơi bày, và chàng thợ săn giành lại những gì xứng đáng với mình, bao gồm tình yêu của công chúa và sự công nhận từ nhà vua.

Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện giải trí mà còn chứa đựng những bài học đạo đức sâu sắc, truyền đạt thông điệp về sự chính trực và lòng quyết tâm theo đuổi ước mơ, bất chấp khó khăn và thử thách.

Câu chuyện „Người thợ săn tài giỏi“ của anh em nhà Grimm có nhiều cách diễn giải khác nhau, mỗi cách diễn giải hướng đến việc truyền tải những thông điệp và ý nghĩa khác nhau. Dưới đây là một số cách diễn giải có thể áp dụng cho câu chuyện này:

Đức tính trung thực và dũng cảm: Câu chuyện nhấn mạnh phẩm chất trung thực và dũng cảm của người thợ săn, người dám đối mặt với nguy hiểm và không ngần ngại chiến đấu với ba gã khổng lồ để cứu công chúa. Phần thưởng cho tấm lòng chính trực và sự dũng cảm của anh là hạnh phúc và quyền lực.

Sự công bằng và trừng phạt: Qua việc viên đại úy gian trá bị trừng phạt, câu chuyện khuyến khích sự chân thật và lên án sự gian dối. Hành động của nhà vua là thông điệp rõ ràng về giá trị của công lý và lẽ phải.

Nghị lực vượt khó: Người thợ săn bắt đầu từ một người thợ khóa, sau đó quyết tâm học nghề thợ săn và đạt được thành công. Đây có thể được coi là một bài học về việc kiên trì theo đuổi ước mơ và không sợ thay đổi để tìm kiếm con đường mới cho bản thân.

Vai trò của định mệnh và cơ hội: Câu chuyện cũng có thể được diễn giải theo hướng mọi người đều có một số phận hoặc định mệnh mà họ cần phải theo đuổi. Người thợ săn gặp được cơ hội lớn khi học được nghề săn bắn và cứu công chúa, điều này chỉ ra rằng mỗi người cần sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi nó đến.

Tình yêu chân thành: Tình yêu và sự trân trọng giữa người thợ săn và công chúa là yếu tố không thể thiếu trong câu chuyện. Anh thợ săn đã bảo vệ công chúa khỏi tay của những kẻ ác mà không có ý định vụ lợi, điều này tạo tiền đề cho một mối quan hệ bền chặt và ý nghĩa giữa hai người.

Câu chuyện sử dụng các yếu tố kỳ diệu và huyền bí để truyền tải những thông điệp đạo đức và xã hội sâu sắc, vẫn giữ được giá trị giáo dục và giải trí qua các thế hệ.

Câu chuyện cổ tích „Người thợ săn tài giỏi“ của anh em nhà Grimm là một tác phẩm giàu hình ảnh và tình tiết, mang trong mình nhiều yếu tố nội dung thú vị cho một phân tích ngôn ngữ học. Dưới đây là một số điểm nổi bật có thể phân tích từ góc độ ngôn ngữ học và văn học của câu chuyện này:

Cấu trúc câu chuyện:

Câu chuyện được xây dựng theo mô típ phổ biến của truyện cổ tích, bắt đầu với một người trẻ tuổi rời xa gia đình để tìm kiếm vận may. Cốt truyện theo sát mô hình hành trình của người anh hùng (hero’s journey), trong đó nhân vật chính bắt đầu từ một vị thế bình thường, trải qua thử thách và cuối cùng đạt được phần thưởng xứng đáng.

Phong cách ngôn ngữ:

Ngôn ngữ miêu tả: Văn phong chi tiết và cụ thể, đặc biệt trong các đoạn miêu tả về hành động và ngoại hình (của các nhân vật như gã khổng lồ hay các đồ vật như thanh kiếm).
Ngôn ngữ đối thoại: Đối thoại trong câu chuyện thường mang tính trực diện và chức năng, làm rõ ý định và suy nghĩ của các nhân vật.
Ngôn ngữ tượng trưng: Các biểu tượng như thanh kiếm bạc, hài đính ngôi sao, và các đồ vật khác đều mang một ý nghĩa nhất định, biểu thị quyền lực, sự trung thực, hoặc vai trò của nhân vật.

Chủ đề và mô típ:

Chủ đề công lý: Câu chuyện nhấn mạnh ý niệm về công lý và sự thật. Viên đại úy xấu xa cuối cùng phải chịu hình phạt, trong khi người thợ săn thật thà được phần thưởng xứng đáng.
Mô típ thử thách và phần thưởng: Người thợ săn phải vượt qua các thử thách (bắn chó, giết khổng lồ) để giành được phần thưởng (công chúa và ngai vàng). Điều này phù hợp với các mô típ anh hùng trong truyện cổ tích châu Âu.
Mô típ biến đổi thân phận: Nhân vật chính thay đổi từ một thợ khóa bình thường thành thợ săn tài giỏi, và cuối cùng là vị vua, thể hiện khả năng biến đổi và thăng tiến dựa trên tài năng và lòng can đảm.

Ý nghĩa văn hóa và xã hội:

Phê phán xã hội: Thông qua nhân vật viên đại úy, câu chuyện gián tiếp phê phán những kẻ phù phiếm, lừa dối và thiếu thực tài. Đồng thời, nó tôn vinh sự công bằng và lòng dũng cảm.
Vai trò giới tính: Công chúa, mặc dù ban đầu đóng vai trò bị động, cuối cùng thể hiện sự quyết đoán khi không chịu kết hôn với viên đại úy và chủ động tham gia vào việc xác minh danh tính người đã cứu mình.

Ý đồ giáo dục:

Truyện khuyến khích người đọc, đặc biệt là trẻ em, phát triển các phẩm chất như trung thực, lòng dũng cảm và sự thông minh. Đồng thời, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiên trì theo đuổi ước mơ và sự cống hiến cho mục tiêu cao cả.

Bằng những yếu tố trên, câu chuyện cổ tích „Người thợ săn tài giỏi“ không chỉ đơn thuần là một câu chuyện giải trí mà còn là một bài học đạo đức và xã hội.


Thông tin phân tích khoa học

Chỉ số
Giá trị
Con sốKHM 111
Aarne-Thompson-Uther Chỉ mụcATU Typ 304
Bản dịchDE, EN, DA, ES, PT, IT, JA, NL, PL, RU, TR, VI, ZH
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson13.5
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục99.5
Flesch–Kincaid Grade-Level2.7
Gunning Fog Chỉ mục5.5
Coleman – Liau Chỉ mục3.3
SMOG Chỉ mục4.3
Chỉ số khả năng đọc tự động0.6
Số lượng ký tự8.781
Số lượng chữ cái6.440
Số lượng Câu147
Số lượng từ1.979
Số từ trung bình cho mỗi câu13,46
Các từ có hơn 6 chữ cái0
Phần trăm các từ dài0%
Tổng số Âm tiết2.191
Số tiết trung bình trên mỗi từ1,11
Các từ có ba Âm tiết5
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết0.3%
Câu hỏi, nhận xét hoặc báo cáo kinh nghiệm?

Chính sách bảo mật.

Những câu chuyện cổ tích hay nhất

Quyền tác giả © 2025 -   Về chúng tôi | Bảo vệ dữ liệu |Đã đăng ký Bản quyền Cung cấp bởi childstories.org

Keine Internetverbindung


Sie sind nicht mit dem Internet verbunden. Bitte überprüfen Sie Ihre Netzwerkverbindung.


Versuchen Sie Folgendes:


  • 1. Prüfen Sie Ihr Netzwerkkabel, ihren Router oder Ihr Smartphone

  • 2. Aktivieren Sie ihre Mobile Daten -oder WLAN-Verbindung erneut

  • 3. Prüfen Sie das Signal an Ihrem Standort

  • 4. Führen Sie eine Netzwerkdiagnose durch