Childstories.org
  • 1
  • Bọn trẻ
    Truyện cổ tích
  • 2
  • Sắp xếp theo
    thời gian đọc
  • 3
  • Hoàn hảo
    để đọc to
Vua núi vàng
Grimm Märchen

Vua núi vàng - Truyện cổ tích của Anh em Grimm

Thời gian đọc cho trẻ em: 17 phút

Một người lái buôn có hai con, một trai và một gái, cả hai đều còn nhỏ, chưa biết đi. Bác có hai chiếc thuyền đi buôn đường biển, đó chính là toàn bộ gia sản của bác – đi buôn đường biển thường lãi lớn – nhưng không ngờ bác được tin cả hai thuyền đều bị đắm. Từ chỗ giàu có nay bác trở nên nghèo, gia sản còn lại chỉ là một mảnh ruộng ở ngoài ven thị trấn. Để cho khuây khỏa nỗi buồn phiền, bác ta ra đồng, đi đi lại lại. Bỗng một người bé tí đen nhẻm xuất hiện, đứng ngay bên bác và hỏi, bác có chuyện gì mà nom lo lắng buồn phiền vậy. Bác nói:

– Liệu có giúp ta được việc gì không nào mà ta kể. Người đen tí hon đáp:

– Trời mà biết được. Biết đâu tôi lại giúp được thì sao. Bác lái buôn kể lại việc hai thuyền buôn cùng toàn bộ hàng hóa gia sản bị chìm dưới đáy biển. Giờ chỉ còn có mảnh ruộng này thôi. Người tí hon nói:

– Bác đừng buồn phiền nữa. Nếu bác hứa với tôi một điều, thì bác muốn bao nhiêu tiền cũng có khi về tới nhà, cái gì chạm vào chân bác trước tiên, sau mười hai năm nữa bác phải mang cái đó lại đây cho tôi. Bác lái buôn nghĩ bụng:

– Chắc cái đó chẳng thể khác là chính con chó của mình. Bác không hề nghĩ tới đứa con trai bé nhỏ nên nhận lời ngay, ký ngay giao kèo với người Tí Hon kia và đi về nhà. Thấy bố về, đứa con trai mừng quá, lần theo ghế ra và ôm chầm lấy chân. Người bố giật mình hoảng sợ khi chợt nhớ tới điều mình vừa cam kết. Nhưng thời gian cứ thế trôi qua mà bác không thấy có tiền của gì trong rương hòm nhà mình. Bác nghĩ, chắc người Tí Hon nói giỡn chơi. Một tháng sau, bác lên gác xép tính gom ít thiếc đem bán, nhưng nó chẳng phải là thiếc nữa, mà thành những đồng tiền vàng. Bác rất đỗi vui mừng, lấy số tiền ấy để buôn bán và trở nên giàu có, thậm chí giờ còn giàu hơn trước. Đứa con trai bác lái buôn ngày một khôn lớn, nhưng con càng gần tới tuổi mười hai thì bác lái buôn càng lo, nỗi lo ấy hiện ra mặt. Một hôm, đứa con trai hỏi bố có điều gì mà buồn phiền vậy. Người bố không muốn nói ra, nhưng đứa con trai năn nỉ mãi, người bố đành phải nói, bác kể xưa có hứa với một người đen Tí Hon, nếu bác trở nên giàu có do sự giúp đỡ của người Tí Hon thì cũng sẵn sàng theo điều kiện do người ấy đòi hỏi, bác đã ký giao kèo với người ấy, mười hai năm sau sẽ đưa cho người Tí Hon cái gì chạm chân bác trước tiên. Đứa con trai nói:

– Bố ơi, bố đừng lo. Mọi việc sẽ ổn. Người đen chẳng có quyền lực gì với con. Người con trai đến xin linh mục ban phép thánh cho. Đúng giờ hẹn, cả hai bố con cùng tới mảnh ruộng ngoài thị trấn, người con trai vẽ một vòng tròn, rồi hai bố con đứng vào vòng tròn ấy. Người đen xuất hiện và bảo người bố:

– Bác có mang đến cái bác đã hứa với tôi không? Bác lái buôn nín lặng, nhưng đứa con trai hỏi:

– Bác tìm gì ở đây? Người đen đáp:

– Tao có điều cần nói với bố mày, chứ không phải nói với mày. Người con nói:

– Bác đã đánh lừa bố tôi. Giờ hãy xí xóa những lời thề ấy đi. Người đen nói:

– Không, tao không từ bỏ quyền lợi của tao. Đôi bên lời qua tiếng lại rất lâu, cuối cùng đi đến nhất trí: Đứa con trai không phải là của ai, chẳng thuộc người bố mà cũng chẳng thuộc người đen kia. Nó sẽ ngồi xuống một chiếc thuyền đậu ven sông. Người bố lấy chân đẩy thuyền ra giữa dòng để phó mặc con trôi theo dòng nước. Chào từ biệt bố, đứa con trai bước xuống thuyền và người bố đẩy thuyền ra giữa dòng. Thuyền lộn nhào. Người bố tưởng con chết nên để tang. Nhưng chiếc thuyền không đắm, cứ thế trôi theo dòng nước. Cuối cùng nó dừng đậu ở một bến xa lạ. Anh thanh niên lên bờ, thấy đằng xa có một tòa lâu đài nguy nga, liền đi về hướng ấy. Khi vào trong lâu đài, anh thấy lâu đài bị phù phép, các phòng trong lâu đài đều trống không. Anh đi mãi, sau tới căn phòng cuối cùng thì thấy một con rắn đang nằm cuộn tròn ở trong đó. Thực ra đó là một cô gái bị phù phép. Cô thấy anh mừng rỡ và nói với anh:

– Anh đến giải thoát cho em đấy à? Em đợi anh đã mười hai năm nay. Cả nước này bị phù phép. Anh hãy giải thoát cho em! Anh hỏi:

– Tôi phải làm gì?

– Đêm khuya nay có mười hai người đen quàng xích quanh người sẽ đến đây. Họ hỏi anh làm gì ở đây. Anh cứ câm lặng, không nói nửa lời. Chúng sẽ hành hạ anh, đánh và đâm anh, anh cứ mặc chúng, chỉ đừng có hé miệng ra nói. Đúng mười hai giờ đêm chúng lại bỏ đi. Đêm thứ hai, mười hai người đến. Đêm thứ ba sẽ có hai mươi người đến chặt đầu anh. Nhưng cứ đúng nửa đêm là phép thuật của chúng hết hiệu lực. Nếu anh gắng giữ mặc chúng hành hạ mà không nói nửa lời thì em sẽ được giải thoát. Em sẽ lấy chai nước hồi sinh thoa bóp khắp người anh sẽ tỉnh lại và khỏe mạnh như trước. Anh thanh niên đáp:

– Tôi sẵn lòng giải thoát cho cô. Mọi việc xảy ra đúng như lời cô nói. Bọn người đen không cậy được anh nửa lời. Đến đêm thứ ba, con rắn biến thành nàng công chúa xinh đẹp, lấy nước hồi sinh thoa bóp cho anh tỉnh lại. Cô ôm choàng anh hôn, cả lâu đài trở nên vui nhộn. Lễ cưới được tổ chức, anh trở thành Vua Núi Vàng. Hai người vui sướng sống bên nhau. Hoàng hậu sinh được một bé trai kháu khỉnh. Thấm thoát đã tám năm trôi qua, nhà vua nhớ quê hương, muốn về thăm bố mẹ. Hoàng hậu không muốn để vua đi, nên nói:

– Em sẽ đau khổ, nếu chàng đi. Nhưng nhà vua nài nỉ mãi cho đến khi hoàng hậu ưng thuận mới thôi. Lúc chia tay, hoàng hậu trao cho vua chiếc nhẫn thần và dặn:

– Khi đeo nhẫn này vào ngón tay, chàng chỉ cần cầu chú sẽ tới ngay được nơi muốn đến. Nhưng phải hứa đừng dùng vào việc bắt em về chỗ bố chàng. Vua hứa, rồi đeo nhẫn vào tay, cầu chú về tới quê hương. Trong khoảnh khắc vua đã về tới thành phố quê hương, nhưng lính canh thấy ăn mặc sang trọng lạ kỳ nên không cho vào trong thành. Vua phải ra chỗ người chăn cừu, đổi quần áo cho họ và mặc đồ chăn cừu thản nhiên đi vào trong thành. Về đến nhà, vua xưng tên với bố đẻ, nhưng ông không tin đó chính là con trai mình. Ông luôn nghĩ, nó đã chết. Trước mắt ông giờ đây chỉ là một người chăn cừu nghèo khó đáng thương. Ông tính bố thí cho một đồng Taler để ăn. Người chăn cừu lại nói:

– Con chính là con trai bố mẹ đây mà. Bố mẹ còn nhớ dấu vết gì trên người con không? Người mẹ nói:

– Có chứ, con trai mẹ có một dấu giống như quả dâu tây ở cánh tay phải. Chàng trai chăn cừu vén tay áo lên cho bố mẹ xem, quả đúng như vậy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Rồi chàng kể cho bố mẹ nghe, rằng mình bây giờ là Vua Núi Vàng, đã lấy một công chúa và đã có một đứa con trai bảy tuổi rất kháu khỉnh. Bố nói:

– Chẳng bao giờ lại có chuyện đó. Một kẻ chăn cừu quần áo lôi thôi bẩn thỉu đang đứng đây chính là nhà vua. Nghe cha nói, chàng trai nổi giận, quên mất lời hứa trước kia với hoàng hậu, chàng xoay chiếc nhẫn, ước sao vợ con đến ngay bên mình. Trong khoảnh khắc, vợ con đến. Nhưng hoàng hậu than khóc trách chồng không giữ lời hứa, làm cho nàng khổ. Chàng nói:

– Anh thật vô tâm quá, em hãy thứ lỗi cho anh. Nàng nguôi giận, nhưng trong lòng không vui. Rồi chàng dẫn nàng ra thửa ruộng bên sông, nơi chàng bước xuống thuyền khi xưa và nói:

– Anh mệt mỏi quá, em ngồi xuống cho anh ngả vào lòng em ngủ một lát. Chàng ngả đầu vào lòng nàng và thiêm thiếp ngủ. Đợi chàng ngủ say, nàng rút nhẫn thần khỏi tay chàng và từ từ rút chân để chàng nằm lại. Nàng bế con và cầu chú trở về xứ sở của mình. Khi tỉnh dậy, chàng thấy mình bị bỏ rơi. Vợ con đã đi mất, chỉ còn đôi hài để lại làm dấu. Chàng nghĩ:

– Trở lại với bố mẹ làm sao được nữa, mọi người cho mình định lừa đảo mang đồ đi. Chàng đành lên đường, tới chân một ngọn núi, chàng gặp ba người khổng lồ đang tranh cãi nhau về cách chia gia tài của bố để lại. Thấy chàng, chúng vẫy gọi lại nhờ phân xử. Chúng nói, người nhỏ khôn hơn chúng. Gia tài gồm ba thứ: gươm, áo và đôi ủng. Khi người có gươm hô: „Tất cả đầu rụng xuống đất, trừ đầu ta“ thì lời ước thành sự thực trong nháy mắt. Ai khoác chiếc áo thì thành vô hình. Ai đi đôi giàu ủng thì muốn tới đâu là đến ngay được đó. Chàng bảo:

– Hãy đưa cho ta ba vật ấy để xem chúng có những khả năng ấy không. Chúng đưa cho chàng chiếc áo. Chàng vừa mới khoác lên người thì đã trở thành vô hình, và biến thành con ruồi. Sau đó chàng lại hiện thành người và nói:

– Chiếc áo tốt. Giờ đưa cho ta thanh gươm. Chúng từ chối. Sợ chàng hô „Tất cả đầu rụng xuống đất, trừ đầu ta“ thì chúng mất đầu và chàng là người duy nhất còn lại. Nhưng chúng ra điều kiện là chàng chỉ thử dùng gươm chém cây. Chàng thử chém cây, cây đứt như người ta phạt cỏ. Rồi chàng bảo chúng đưa ủng. Chúng từ chối, bảo nếu đi ủng vào chỉ trong nháy mắt chàng đã đi rất xa, chúng chỉ còn cách đứng nhìn. Chàng nói:

– Nếu vậy thì tôi không phân xử nữa. Chúng đành đưa ủng cho chàng. Có trong tay cả ba báu vật, giờ chàng chỉ có nghĩ tới vợ và con. Chàng cầu chú:

– Ước gì ta trở lại Núi Vàng? Thế là ngay sau đó, chàng biến mất và cũng là phân xử xong việc chia gia sản cho ba người khổng lồ. Khi tới lâu đài, chàng nghe thấy tiếng đàn sáo vui nhộn. Mọi người cho biết vợ chàng làm lễ cưới với người khác. Chàng nổi giận nói:

– Quân khốn kiếp. Nó lừa lúc ta ngủ rồi bỏ đi. Chàng mặc áo tàng hình và đi vào lâu đài. Khi vào phòng lớn thì thấy một bàn tiệc lớn hết sức thịnh soạn, khách ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Vợ chàng đầu đội vương miện, ngồi trên ngai vàng ở chính giữa. Chàng đến đứng ngay sau nàng mà không ai thấy. Cứ có thức ăn gắp bỏ vào đĩa nàng là chàng lấy ăn liền. Và rượu được rót vào ly nàng, chàng cũng uống hết. Nàng được tiếp thức ăn, đồ uống luôn luôn mà vẫn không ăn uống được gì, mọi thứ đều biến mất trong nháy mắt. Nàng đâm ra hoảng sợ và ngượng, đứng dậy, về buồng ngồi khóc, nhưng chàng cũng đi theo vào buồng. Nàng ngồi nói một mình:

– Phải chăng có quỷ ám ta hay là người giải thoát ta đến? Chàng tát nàng và nói:

– Người giải thoát ngươi đến chăng? Người ấy đang ở trên đầu ngươi, quân phản bội! Ta bị ngươi đối xử bội bạc. Rồi chàng hiện nguyên hình người, tới phòng lớn và nói to:

– Tiệc cưới kết thúc, chính vua đã về đây. Các vua, chúa, cận thần có mặt ở đó cười giễu cợt chàng. Chàng họ một câu ngắn gọn:

– Các người có ra hay không? Tất cả đổ xô đến bắt chàng. Chàng rút gươm hô:

– Tất cả đầu rụng xuống đất, trừ đầu ta! Lập tức các đầu lìa khỏi thân lăn xuống đất. Chàng lại là chúa tể và lại lên ngôi Vua Núi Vàng.

Đọc một câu chuyện cổ tích ngắn khác (5 phút)

LanguagesLearn languages. Double-tap on a word.Learn languages in context with Childstories.org and Deepl.com.

Ngữ cảnh

Diễn giải

Ngôn ngữ

„Vua Núi Vàng“ là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng của anh em nhà Grimm. Câu chuyện xoay quanh một người lái buôn và đứa con trai của ông, qua những tình tiết huyền bí và phép màu, cuối cùng đạt được hạnh phúc.

Câu chuyện bắt đầu khi người lái buôn mất hết tài sản trong một tai nạn đắm thuyền và gặp được một người tí hon bí ẩn.
Người tí hon đưa ra lời đề nghị: nếu người lái buôn chạm vào bất cứ vật gì khi về đến nhà, người đó sẽ phải trao lại vật đó cho ông ta sau mười hai năm. Không ngờ, người đầu tiên chạm vào ông khi về nhà lại chính là con trai ông.

Năm tháng trôi qua, con trai ông lớn lên và đủ thông minh để đối phó với tình huống khó khăn này. Đến ngày định mệnh, họ đối diện với người tí hon. Qua sự khôn khéo và phép thuật, con trai người lái buôn bảo vệ được bản thân và tìm đến một lâu đài bị phù phép. Ở đó, anh giải thoát một công chúa đang bị dính lời nguyền, và sau này trở thành Vua của Núi Vàng khi kết hôn với cô.

Tuy nhiên, sự ham muốn trở về quê hương để thăm cha mẹ đẩy anh vào một tình huống khó khăn mới. Dù đã hứa với vợ không sử dụng chiếc nhẫn thần để đưa cô về quê hương, anh đã không giữ lời, dẫn đến một loạt biến cố khiến anh bị mất vợ và con.

Cuối cùng, nhờ sự khôn ngoan và sự trợ giúp của các bảo bối kỳ diệu anh lấy được từ ba người khổng lồ, anh trở lại lâu đài của mình, giành lại ngôi vua và đoàn tụ với gia đình. Câu chuyện kết thúc có hậu, chứng minh rằng lỗi lầm có thể được tha thứ và hạnh phúc có thể được tìm thấy.

„Vua Núi Vàng“ không chỉ mang lại những bài học về sự trung thực và đáng tin cậy mà còn cho thấy sức mạnh của tình yêu và gia đình vượt qua những thử thách khó khăn.

„Vua Núi Vàng“ là một câu chuyện cổ tích đầy kịch tính và sâu sắc của anh em nhà Grimm, mở ra cho người đọc nhiều cách diễn giải và suy ngẫm khác nhau về các giá trị và bài học cuộc sống.

Một trong những chủ đề nổi bật trong câu chuyện này là sự trung thành và lòng tin. Người lái buôn đã vô tình đánh đổi con trai để lấy của cải, điều này cho thấy sự cám dỗ của giàu sang có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, con trai ông vẫn thể hiện sự thông minh và dũng cảm để tự giải thoát khỏi những nguy hiểm, chứng tỏ rằng lòng trung thành với chính bản thân và gia đình có thể chiến thắng mọi khó khăn.

Bên cạnh đó, câu chuyện cũng phê phán lòng tham và sự phản bội, khi người vợ của vua Núi Vàng không giữ lời hứa và tìm cách tổ chức đám cưới với người khác. Hành động này không chỉ làm tổn thương vua mà còn làm mất đi lòng tin mà người chồng đã từng dành cho cô. Tuy nhiên, kết cục truyện mang lại sự công bằng khi vua đòi lại vương quốc và gia đình mình.

Một yếu tố khác cũng đáng chú ý là sự hiện diện của phép thuật và những món đồ thần kỳ như nhẫn thần, gươm, áo và giày phép. Những vật này tượng trưng cho quyền lực và khả năng siêu nhiên có thể thay đổi vận mệnh của con người. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng cũng cần sự thông minh và cẩn trọng, như bài học từ những người khổng lồ tranh cãi về cách chia đồ vật, cho thấy rằng sự tham lam có thể dẫn đến mất tất cả.

Câu chuyện có thể được hiểu như một lời nhắc nhở về giá trị của sự trung thực, lòng dũng cảm và sự khôn ngoan. Nó cũng phản ánh sự phức tạp của lòng người và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến số phận, nhấn mạnh rằng cuối cùng thì chính lòng trung thành và sự kiên định với lẽ phải mới giúp con người đạt được hạnh phúc thực sự.

Truyện cổ tích „Vua Núi Vàng“ của anh em nhà Grimm mang nhiều chiều sâu về mặt ngôn ngữ học và phản ánh những đặc điểm văn hóa, xã hội của thời kỳ mà nó được viết. Dưới đây là một số điểm nổi bật trong phân tích ngôn ngữ học của câu chuyện:

Cấu trúc truyện cổ tích: Cấu trúc điển hình của truyện cổ tích được thể hiện rõ ràng với các phần: mở đầu (giới thiệu gia cảnh là sự giàu có của người lái buôn), biến cố (sự mất mát cả hai chiếc thuyền), cao trào (giao kèo với người tí hon và hành trình của con trai), và kết thúc (sự trở về với quyền lực và trả thù của nhân vật chính). Người kể chuyện sử dụng ngôn ngữ đơn giản nhưng giàu hình ảnh để tạo nên sự thu hút, phù hợp với tính chất giáo huấn và truyền tải đạo đức của truyện.

Ngôn ngữ và phép ẩn dụ: Truyện sử dụng nhiều phép ẩn dụ và biểu tượng như „Vua Núi Vàng“ tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có, „người đen tí hon“ đại diện cho thế lực ma quỷ hoặc những điều xấu xa mà con người có thể gặp phải. Những vật phẩm ma thuật như nhẫn thần, áo tàng hình, gươm thần và đôi ủng đều là những biểu tượng quen thuộc trong văn hóa dân gian châu Âu, mang ý nghĩa về quyền lực và sự kiểm soát vận mệnh.

Hội thoại và nhân vật: Hội thoại giữa các nhân vật được xây dựng một cách tự nhiên, từng câu thoại thể hiện rõ tính cách và tình huống của nhân vật, như sự bối rối của người bố, lòng dũng cảm của người con trai và sự lừa lọc của người đen tí hon. Nhân vật chính trải qua quá trình trưởng thành từ một cậu bé bị giao kèo một cách bất đắc dĩ, trở thành một vị vua quyền lực sau nhiều thử thách, thể hiện mô típ quen thuộc của hành trình người hùng.

Chủ đề và thông điệp: Các chủ đề như sức mạnh của lời hứa, lòng dũng cảm, trí tuệ vượt qua những thử thách của cuộc sống và việc tìm lại sự công bằng khi bị phản bội là những thông điệp phổ biến trong truyện của anh em nhà Grimm. Mặc dù có yếu tố huyền ảo, những sự kiện trong truyện cũng nhấn mạnh những khía cạnh thực tế của mối quan hệ gia đình và các giá trị đạo đức.

Đặc điểm văn hóa và thời kỳ: Truyện phản ánh xã hội nông nghiệp châu Âu, nơi các câu chuyện dân gian truyền miệng là phương tiện chính để giải trí và truyền đạt kiến thức cũng như đạo lý. Những yếu tố phép thuật và nhân vật thần bí là đặc trưng của văn hóa cùng thời, thường dùng để giải thích những hiện tượng chưa rõ và mang tính giáo dục.

Tóm lại, „Vua Núi Vàng“ không chỉ là một câu chuyện giải trí mà còn chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa và giá trị văn hóa thông qua ngôn ngữ và cách kể chuyện điển hình của anh em nhà Grimm.


Thông tin phân tích khoa học

Chỉ số
Giá trị
Con sốKHM 92
Aarne-Thompson-Uther Chỉ mụcATU Typ 401A
Bản dịchDE, EN, DA, ES, PT, IT, JA, NL, PL, RU, TR, VI, ZH
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson12.5
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục98.6
Flesch–Kincaid Grade-Level2.6
Gunning Fog Chỉ mục5.3
Coleman – Liau Chỉ mục3.8
SMOG Chỉ mục5
Chỉ số khả năng đọc tự động0.5
Số lượng ký tự10.010
Số lượng chữ cái7.389
Số lượng Câu177
Số lượng từ2.218
Số từ trung bình cho mỗi câu12,53
Các từ có hơn 6 chữ cái0
Phần trăm các từ dài0%
Tổng số Âm tiết2.504
Số tiết trung bình trên mỗi từ1,13
Các từ có ba Âm tiết16
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết0.7%
Câu hỏi, nhận xét hoặc báo cáo kinh nghiệm?

Chính sách bảo mật.

Những câu chuyện cổ tích hay nhất

Quyền tác giả © 2025 -   Về chúng tôi | Bảo vệ dữ liệu |Đã đăng ký Bản quyền Cung cấp bởi childstories.org

Keine Internetverbindung


Sie sind nicht mit dem Internet verbunden. Bitte überprüfen Sie Ihre Netzwerkverbindung.


Versuchen Sie Folgendes:


  • 1. Prüfen Sie Ihr Netzwerkkabel, ihren Router oder Ihr Smartphone

  • 2. Aktivieren Sie ihre Mobile Daten -oder WLAN-Verbindung erneut

  • 3. Prüfen Sie das Signal an Ihrem Standort

  • 4. Führen Sie eine Netzwerkdiagnose durch