Thời gian đọc cho trẻ em: 10 phút
Ngày xưa có một người đàn ông nghèo có mười hai người con. Bác phải làm ngày làm đêm để kiếm cho đủ tiền nuôi chúng. Khi đứa con thứ mười ba ra đời, bác không biết xoay xở thế nào nữa trong cảnh bần hàn. Bác đành chạy ra đường cái, người nào gặp đầu tiên, bác sẽ nhờ người đó làm cha đỡ đầu cho đứa trẻ. Người bác gặp đầu tiên là Đức Chúa Trời. Người biết ý định của bác nên nói ngay:
– Ta thấy ngươi tội nghiệp mà động lòng thương. Ta muốn làm cha đỡ đầu cho cháu, chăm sóc nó, để nó được sung sướng. Người ấy hỏi:
– Ông là ai?
– Ta là Đức Chúa Trời.
– Thế thì tôi không muốn để ông đỡ đầu cho con tôi, vì ông chỉ phò người giàu sang, bỏ mặc kẻ nghèo khó đói rét. Thế là bác quay đi, đi tìm người khác. Bỗng có một con quỷ xuất hiện, nó hỏi người đàn ông:
– Bác tìm gì nào? Bác có muốn ta đỡ đầu cho đứa con bác không? Ta cho nó của cải châu báu để nó giàu nứt đố đổ vách, được hưởng mọi khoái lạc trên đời. Người kia hỏi:
– Ông là ai?
– Ta là quỷ.
– Thế thì tôi không muốn ông đỡ đầu cho con tôi, ông chuyên môn lừa dối và quyến rũ mọi người. Bác lại tiếp tục đi. Bỗng thần chết chân tay khẳng khiu từ đâu bước tới bảo bác:
– Để ta đỡ đầu cho con bác nhé! Người kia hỏi:
– Ông là ai?
– Ta là thần chết, ta coi ai cũng như ai. Người kia liền nói:
– Bác công bằng, không phân biệt người giàu kẻ nghèo, cứ đến lượt là bác gọi. Vậy xin bác đỡ đầu cho con tôi. Thần chết nói:
– Ta sẽ làm cho con bác giàu sang phú quí như ta đã từng giúp bạn bè của ta.
– Đến chủ nhật sau tôi sẽ làm phép rửa tội cho cháu, ông nhớ đến đúng hẹn nhé! Như đã hứa, đúng hẹn Thần chết đến và làm hết mọi việc của người cha đỡ đầu. Khi thằng bé đã khôn lớn, một hôm cha đỡ đầu đến gọi bảo nó đi theo. Cha đỡ đầu dẫn nó vào rừng chỉ cho nó một loại cây thuốc và dặn:
– Giờ con sẽ nhận được món quà của cha đỡ đầu của con. Ta sẽ làm cho con trở thành một thầy thuốc lừng danh. Mỗi lần con đi thăm bệnh thì ta sẽ hiện đến. Nếu con thấy ta đứng ở phía đầu bệnh nhân, con có thể nói chắc chắn rằng, con chữa cho họ qua khỏi, và con lấy cây thuốc này mà điều trị. Nhưng nếu ta đứng ở phía chân họ, điều đó có nghĩa là ta bắt họ đi. Con cứ việc nói cho họ biết rằng, dù có tìm mọi cách chạy chữa đi chăng nữa cũng vô ích. Không có một thầy thuốc nào ở trần gian chữa khỏi. Nhưng con phải cẩn thận, chớ có ngược ý ta, nếu không sẽ lụy đến thân. Chẳng bao lâu, chàng thanh niên đã là một thầy thuốc lừng danh bốn phương trời: „Chỉ thoáng nhìn thấy bệnh nhân, thầy đã có thể nói chắc chắn là bệnh nhân sẽ lành phục hay sẽ chết!.“
Tiếng lành đồn xa, từ khắp mọi nơi người ta kéo đến mời thầy, biếu tạ thầy vàng bạc, vì vậy nên chẳng bao lâu sau thầy trở nên một người giàu có. Lúc bấy giờ nhà vua lâm bệnh. Thầy được mời tới xem liệu bệnh tình còn cứu chữa được nữa hay không. Khi thầy bước tới bên giường bệnh nhân thì Thần chết đã đứng ở phía chân. Như vậy là không thuốc nào trị được nữa. Thầy nghĩ, giá mình có đánh lừa thần chết lần này thì chắc Người bực lắm, nhưng vì là cha đỡ đầu của mình nên có lẽ Người sẽ nhắm mắt làm ngơ. Vậy mình cứ liều thử cái xem. Rồi thầy đặt bệnh nhân quay đầu lại, và cho nhà vua uống cây thuốc, vua thấy người tỉnh lại, khỏe lên và khỏi bệnh. Thần chết tối sầm mặt lại, hầm hầm đến chỉa ngón tay trỏ vào mặt thầy lang mà la mắng:
– Mày đã lừa ta. Lần này thì ta lượng thứ tha cho vì mày là con đỡ đầu của ta. Nhưng nếu mày còn liều lĩnh như vậy lần nữa, dù gươm có kề cổ, đích thân ta sẽ bắt ngươi đi. Ít lâu sau, công chúa ốm nặng. Vì vua chỉ sinh được một mình công chúa nên khóc đêm, khóc ngày đến nỗi mù cả hai mắt. Vua ra chiếu chỉ, ai chữa cho công chúa khỏi bệnh sẽ được làm phò mã và nối ngôi vua. Khi thầy thuốc tới bên giường bệnh nhân thì thoáng thấy Thần chết đã đứng ở phía chân. Lẽ ra thầy phải nhớ tới lời nhắc nhở của cha đỡ đầu, nhưng vì công chúa đẹp tuyệt trần, vì sẽ được làm phò mã nên thầy lấp lú quên hết. Thầy không hề trông thấy Thần chết đang đứng quắc mắt, giơ nắm đấm cảnh cáo thầy. Thầy nâng bệnh nhân lên, quay đầu lại phía Thần chết, rồi cho uống cây thuốc. Lập tức hai má công chúa lại ửng hồng, sức xuân mơn mởn. Lần thứ hai bị lừa, Thần chết rảo bước về phía thầy lang và bảo:
– Thế là mày hết đời. Giờ thì đến lượt mày chết. Thần chết đưa bàn tay lạnh giá túm chặt lấy thầy lang, khiến thầy hết đường cựa quậy. Thần chết điệu thầy đến một cái hang ở dưới âm phủ. Thầy lang thấy hằng hà sa số đèn lớn, đèn nhỏ đang cháy: lớn có, nhỡ có, nhỏ có. Khi có một số ngọn tắt lụi thì lập tức có những ngọn đèn khác bừng sáng lên, muôn nghìn ngọn lửa thay nhau tắt, sáng trông tựa như đèn cù. Thần chết nói:
– Mày thấy chưa? Đó là những ngọn đèn sinh mệnh của con người. Những ngọn của trẻ con cháy lớn, những ngọn nhỡ là của những cặp vợ chồng đang xuân, những ngọn nhỏ là của các cụ già. Nhưng cũng có những ngọn đèn sinh mệnh của trẻ em và thanh niên mà chỉ có ít ánh sáng. Thầy lang tưởng ngọn đèn sinh mệnh của mình còn to nên nói:
– Xin Thần chỉ cho con ngọn đèn sinh mệnh của con. Thần chết chỉ vào ngọn đèn rất nhỏ, ánh sáng chập chờn như sắp tắt và nói:
– Mày đã thấy chưa, ngọn đèn của mày đấy. Thầy lang khiếp sợ nói:
– Trời ơi, cha kính yêu, cha hãy thương con, thắp cho con ngọn đèn mới khác để con được hưởng cuộc đời của con, được lấy nàng công chúa xinh đẹp, được lên làm vua. Thần chết trả lời:
– Điều đó ta không làm được, vì phải có ngọn đèn này tắt trước thì mới thắp ngọn khác lên được. Thầy lang khẩn khoản:
– Xin cha ghép chiếc đèn cũ của con với một ngọn đèn mới cháy để đèn con cháy tiếp tục. Thần chết làm ra bộ chiều ý con đỡ đầu, với tay lấy một ngọn đèn to mới cháy lại phía mình. Nhưng trong thâm tâm Thần muốn trả thù, nên trong lúc chuẩn bị ghép đèn, Thần cố tình đánh rơi chiếc đèn nhỏ xuống đất, đèn tắt ngấm. Thầy lang lăn ra đất và bị Thần chết bắt đi.

Ngữ cảnh
Diễn giải
Ngôn ngữ
„Thần chết đỡ đầu“ là một câu chuyện cổ tích của Anh em nhà Grimm, phản ánh nhiều bài học đạo đức sâu sắc và quy luật của cuộc sống. Câu chuyện kể về một người đàn ông nghèo khó với mười hai đứa con, và khi đứa con thứ mười ba ra đời, ông đi tìm một người cha đỡ đầu cho đứa trẻ. Qua việc gặp gỡ Đức Chúa Trời, quỷ và cuối cùng là Thần chết, người đàn ông đã chọn Thần chết làm cha đỡ đầu cho con mình vì Thần chết đối xử công bằng với tất cả mọi người.
Câu chuyện phát triển với việc đứa trẻ lớn lên trở thành một thầy thuốc nhờ sự giúp đỡ của Thần chết. Thầy thuốc được ban cho khả năng nhìn thấy Thần chết tại giường bệnh của bệnh nhân để quyết định sự sống còn của họ. Tuy nhiên, tham vọng và lòng muốn đạt được quyền lực đã khiến thầy thuốc lừa dối Thần chết hai lần. Lần đầu, thầy cứu sống nhà vua và lần thứ hai, cứu công chúa. Nhưng cuối cùng, thầy phải đối mặt với hậu quả của hành động mình khi Thần chết, không thể tha thứ lần thứ hai, dẫn thầy về cõi âm phủ.
Thông qua câu chuyện này, các bài học về sự công bằng, hậu quả của sự tham lam và tầm quan trọng của việc tôn trọng quy luật tự nhiên được thể hiện rõ. Dù câu chuyện có màu sắc thần thoại, nhưng những thông điệp của nó vẫn có giá trị thời sự và hướng đến việc người đọc suy ngẫm về cách sống của chính mình.
Câu chuyện „Thần chết đỡ đầu“ của Anh em nhà Grimm là một trong những truyện cổ tích mang tính giáo dục sâu sắc, thường được giải thích qua nhiều góc độ khác nhau:
Quyền lực và sự công bằng của Thần chết: Thần chết trong truyện được mô tả như một nhân vật công bằng, không phân biệt giàu nghèo, luôn làm tròn bổn phận của mình mà không thiên vị. Điều này nhấn mạnh thông điệp rằng cái chết là điều tất yếu và công bằng duy nhất trong cuộc sống.
Sự tham lam và hậu quả: Nhân vật thầy thuốc, dù đã được cảnh báo, vẫn cố tình đi ngược lại quy luật của Thần chết vì tham vọng cá nhân: muốn cứu nhà vua và công chúa để được hưởng vinh hoa phú quý. Kết quả là thầy đánh mất mạng sống của mình. Truyện cảnh báo về lòng tham và sự liều lĩnh chống lại tự nhiên và những giới hạn đã được đặt ra.
Quan niệm về định mệnh và số phận: Ngọn đèn sinh mệnh tượng trưng cho cuộc đời mỗi người. Truyện cho thấy số phận của mỗi người như đã được định đoạt, và việc cố tình thay đổi nó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Mối quan hệ giữa con người và thần linh: Truyện phê phán việc con người đôi khi không hài lòng với sự giúp đỡ từ thần linh theo cách của họ, ví dụ như người đàn ông từ chối Đức Chúa Trời và quỷ để chọn Thần chết. Điều này có thể hiểu là con người thường không nhận ra giá trị của những điều tốt đẹp mà mình đã có hoặc được ban tặng.
Cuối cùng, truyện „Thần chết đỡ đầu“ như một lời nhắc nhở cho chúng ta về việc sống một cách đạo đức, tuân thủ luật lệ và chấp nhận những gì đã được an bài, bởi vì mỗi hành động đều có những hậu quả không thể lường trước.
Phân tích ngôn ngữ học về truyện cổ tích „Thần chết đỡ đầu“ của anh em nhà Grimm giúp ta hiểu sâu hơn về cách sử dụng ngôn ngữ, các mô típ thường gặp và ý nghĩa ẩn chứa trong tác phẩm.
Ngôn ngữ và cấu trúc câu: Ngôn ngữ trong truyện cổ tích này mang tính chất tường thuật và sắc bén, giúp xây dựng một câu chuyện huyền bí và có phần u ám. Các câu văn được xây dựng một cách rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật thường ngắn gọn, trực tiếp, giúp đẩy nhanh nhịp độ câu chuyện và tạo ra sự căng thẳng cần thiết.
Nhân vật và đối thoại: Truyện sử dụng nhân vật điển hình như „người cha nghèo khổ“, „thầy thuốc“, „Thần chết“, „Đức Chúa Trời“, và „quỷ“ để đại diện cho các khái niệm về đạo đức, sự công bằng và số phận. Các đoạn đối thoại giữa người cha và Thần chết thể hiện những triết lý về công bằng (“bác công bằng, không phân biệt người giàu kẻ nghèo”), đồng thời nêu bật sự khác biệt về quan niệm giữa người và thần.
Biểu tượng và mô típ
Thần chết: Là biểu tượng cho sự công bằng tuyệt đối, không thiên vị giàu nghèo, và cũng là sức mạnh tối hậu không thể chống cự. Hình ảnh Thần chết đứng ở đầu hay chân giường bệnh nhân đại diện cho ranh giới sống và chết.
Ngọn đèn sinh mệnh: Là biểu tượng cho cuộc đời con người, ngắn hay dài, sáng hay lụi tàn đều nằm trong tay định mệnh (Thần chết). Điều này nhấn mạnh tính chất hữu hạn và mong manh của đời người.
Thông điệp và ý nghĩa: Truyện gửi gắm thông điệp rằng dù con người có cố gắng đến đâu cũng khó lòng tránh né định mệnh, nhất là khi tham vọng mâu thuẫn với những quyền lực siêu nhiên (ở đây là thần chết). Câu chuyện cũng là một lời nhắc nhở về sự khiêm nhường và chấp nhận vị thế của mình trong trật tự tự nhiên, cảnh báo về hậu quả của việc cố tình thách thức hay vượt qua giới hạn đã được định sẵn.
Phong cách và tác động: Phong cách kể chuyện của Grimm thường hấp dẫn trẻ em và người lớn, với bài học đạo đức ngụ ngôn phía sau câu chuyện hấp dẫn, có phần rùng rợn. Sự kết hợp giữa yếu tố huyền bí, giáo huấn và giải trí khiến các tác phẩm của Grimm trở thành nền tảng văn học quan trọng trong văn hóa phương Tây.
Tóm lại, „Thần chết đỡ đầu“ không chỉ mang lại câu chuyện hấp dẫn mà còn chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, số phận và đạo đức, thông qua cách kể chuyện độc đáo và giàu hình ảnh của anh em nhà Grimm.
Thông tin phân tích khoa học
Chỉ số | Giá trị |
---|---|
Con số | KHM 44 |
Aarne-Thompson-Uther Chỉ mục | ATU Typ 332 |
Bản dịch | DE, EN, DA, ES, FR, PT, IT, JA, NL, PL, RU, TR, VI, ZH |
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson | 14.3 |
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục | 97.5 |
Flesch–Kincaid Grade-Level | 3.2 |
Gunning Fog Chỉ mục | 5.9 |
Coleman – Liau Chỉ mục | 3.5 |
SMOG Chỉ mục | 4.9 |
Chỉ số khả năng đọc tự động | 1.2 |
Số lượng ký tự | 5.742 |
Số lượng chữ cái | 4.221 |
Số lượng Câu | 90 |
Số lượng từ | 1.286 |
Số từ trung bình cho mỗi câu | 14,29 |
Các từ có hơn 6 chữ cái | 0 |
Phần trăm các từ dài | 0% |
Tổng số Âm tiết | 1.441 |
Số tiết trung bình trên mỗi từ | 1,12 |
Các từ có ba Âm tiết | 7 |
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết | 0.5% |